Khái niệm & dấu hiệu khủng hoảng tuổi lên 3
Khủng hoảng tuổi lên 3 xảy ra từ nửa sau tuổi lên 3 đến nửa đầu khi lên 4. Khi tâm lý tự nhiên của trẻ thay đổi theo mức độ khác nhau, hành động của bé cũng thay đổi.
Dấu hiệu nhận biết khủng hoảng tuổi lên 3 bắt đầu:
- Bé muốn tự ý làm mọi việc
- Bé làm trái ý người lớn, cố ý làm một cách ngang ngược
- Bỏ qua những sở thích trước kia
- Có các hành động (đánh, dậm chân,..) hoặc cãi lời người lớn
- Đòi bằng được một món đồ gì đó, khi bị từ chối thì mè nheo hoặc bé quá quen với việc đòi gì đó mà được người lớn đáp ứng ngay
Ba mẹ đối mặt với khủng hoảng tuổi lên 3 của con thế nào?
Tham khảo một số gợi ý sau để cả gia đình cùng vượt qua khủng hoảng suôn sẻ nha:
- Hạn chế mắng bé, quát to, la mắng
Trong những trường hợp bé không nghe lời mẹ thì la mắng, quát nạt là một hành động thường thấy ở ba mẹ. Sự mất bình tĩnh này sẽ khiến cho tâm lý của trẻ trở nên xấu hơn, tiêu cực hơn trong thời điểm đó. Dẫn tới những hành động của bé (la khóc, đánh, ném đồ,…) khiến ba mẹ càng không hài lòng.
Vậy giải pháp là bố mẹ hãy tiết chế lại cảm xúc, hãy hành động nhẹ nhàng hơn, lời nói nhẹ hơn.
- Để bé được chọn lựa
Không nên bắt con ngừng làm gì đó khi con đang rất hứng thú. Có thể kiểm soát hành động của con theo hướng vừa làm con vui vừa làm theo ý ba mẹ thì có thể đưa ra các gợi ý để con được chọn. Không nên theo ý của con 100%, ngay cả khi con có khóc.
- Hãy kiên nhẫn giải thích, trò chuyện với con
Khi mới lên 3, trẻ chưa hiểu sâu xa của một hành động mình đang làm là đúng hay sai, có ảnh hưởng tới người khác không. Vì sao con không được làm hành động này?
Ngay thời điểm đó, ba mẹ hãy giải thích cho con hiểu về hành động của mình sẽ ảnh hưởng người khác và cần làm gì cho đúng. Tạo không khí thoải mái để trẻ dễ tiếp thu và nghe lời. Ví dụ khi trẻ đang chơi và giật đồ chơi hoặc đánh bạn, mẹ sẽ giải thích nhẹ nhàng “Đồ chơi chúng ta nên chia sẻ cùng nhau, không nên đánh bạn vì sẽ làm bạn đau, bạn khóc và buồn hơn”
- Hãy lắng nghe lời con nói
Có thể trong giai đoạn này lời con nói còn chưa rõ. Nhưng việc được người lớn lắng nghe câu chuyện của mình đang bày tỏ sẽ làm con rất vui. Từ đó mẹ sẽ hiểu được thêm tính cách của bé đang thay đổi ra sao.
- Hãy quan tâm tới hành động của con
Chắc hẳn nhiều ba mẹ sẽ gặp trường hợp bé muốn làm cùng mẹ, lấy điện thoại hoặc cố ý ngồi/chen giữa bố/mẹ và điện thoại. Không phải bé đang quấy mẹ đâu mà do bé muốn gây sự chú ý với bố/mẹ để chúng ta cùng trò chuyện/chơi đùa với nhau.
Tất nhiên bố mẹ cũng sẽ có công việc riêng của mình. Nhưng hãy dừng công việc riêng của mình một chút để ôm/đùa với con hoặc cho con ăn/uống gì đó cùng mình. Điều này sẽ làm bé cảm thấy có người luôn ở bên và yên tâm vui chơi bên cạnh ba/mẹ.
- Hãy áp dụng time-out
Cách áp dụng time-out: Khi bé có hành động không hay, mẹ hãy để bé ở một nơi yên tĩnh trong nhà hoặc 1 góc trong vòng 10-15 phút. Mặc kệ bé có khóc hoặc mếu máo hoặc la hét. Mẹ cần nói cho bé biết bé phải bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc và nghe lời người lớn
- Nói lời yêu thương với con mỗi ngày
Tại sao phải nói lời yêu thương mỗi ngày? Vì trẻ lớn lên trong môi trường tích cực, tràn đầy yêu thương sẽ giúp bé phát triển não bộ khá tốt. Lời nói “Bố mẹ yêu con” hãy kèm luôn hành động ôm/hôn/ âu yếm con vào lòng. Tạo cho con cảm nhận được hơi ấm, tình cảm trọn vẹn mà ba mẹ dành cho con.
- Khen ngợi con và khiến con nghe lời ba mẹ
Lời khen chính là động lực cho con, bé cảm thấy tự hào khi làm một hành động và được khen ngợi. Vì ở tuổi lên 3, bé bắt đầu muốn tự lập hơn và khẳng định bản thân mình. Bé sẽ thích làm những hành động được khen và từ đó cũng dễ nghe lời ba mẹ hơn.
- Ba mẹ làm mẫu cho con học theo
Trẻ con luôn học theo những hành động của người xung quanh. Bé liên tục quan sát, học tập và làm theo bố mẹ từ hành động đến lời nói. Vậy ba mẹ hãy chú ý những gì mình làm, những lời mình nói vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới con trẻ.
Khủng hoảng lên 3 suy cho cùng chỉ là một giai đoạn bé học hỏi nhiều kỹ năng mới, hình thành tư duy và tính cách của bản thân. Nên không có gì là xấu hoặc đáng lo, hãy đồng hành cùng con, dạy dỗ con trong giai đoạn này ba mẹ nhé.
Nguồn tham khảo tại website hellobacsi