Hỗ trợ khách hàng 0393.655.600

Cách ăn dặm kiểu Nhật cho bé

19/05/2022 11:47 |

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là một trong những phương pháp được rất nhiều bà mẹ Việt Nam quan tâm và áp dụng vì mang lại nhiều ưu điểm vượt trội trong việc chăm sóc trẻ.

Nguyên tắc của ăn dặm kiểu Nhật

- Không cho muối khi chế biến đồ ăn dặm của bé. Bắt đầu ăn từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc, từ mịn đến thô. Cân bằng giữa lượng sữa và lượng thức ăn của bé.

- Khi chế biến đồ ăn cho bé, mẹ nên dùng cối giã tay và dùng rây để làm mịn đồ ăn cho bé.

- Khi bé mới tập ăn dặm kiểu Nhật, mẹ nên cho bé tập ăn từng món. Sau khi bé quen, mẹ có thể trộn nhiều loại thực phẩm để món ăn của bé được đa dạng hơn.

- Cần chú trọng tới nguồn gốc của các thực phẩm mà bé sử dụng.

- Mỗi bé có một nhu cầu dung nạp lượng đồ ăn khác nhau, nên mẹ tránh ép ăn và ép uống bé.

- Tùy vào sự phát triển cơ địa của từng bé mà cho bé ăn thô sớm hay muộn.

>> Xem thêm: Bộ chế biến ăn dặm kiểu Nhật

Ưu – Nhược điểm của ăn dặm kiểu Nhật

* Ưu điểm của ăn dặm kiểu Nhật:

- Trong quá trình cho bé ăn dặm kiểu Nhật, mẹ cho bé ăn từ lỏng đến đặc, từ mịn đến thô giúp bé hình thành lên kĩ năng nhai nuốt.

- Việc cho bé ăn từng món thứ ăn một, giúp bé dễ dàng ghi nhớ và làm quen với mùi vị của thức ăn.

- Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật hoàn toàn không sử dụng nước hầm xương, thịt để chế biến đồ ăn dặm cho bé mà thay vào đó là  dùng cá khô và rong biển ( những thực phẩm có chứa hàm lượng canxi cao và ít chất béo ). Loại nước này còn được gọi là Dashi. Nhờ vào việc không sử dụng nước hầm xương, thịt mà bé không bị béo phì và trở nên khỏe mạnh hơn.

* Nhược điểm:

- Bên cạnh những ưu điểm trên, phương pháp ăm dặm kiểu Nhật cũng có một số nhược điểm. Mẹ sẽ phải mất khá nhiều thời gian để lên thực đơn, chuẩn bị và sơ chế thực phẩm cho bé .

- Khi mới bắt đầu tập ăn dặm kiểu Nhật, có thế bé sẽ không tăng cân như ăn dặm truyền thống.

Lưu ý

- Khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật các mẹ không nhất thiết phải sử dụng các loại thực phẩm như người Nhật. Mẹ có thể các loại rau củ như cà rốt, củ cải , bắp cải, cải bó xôi, cải ngọt, bí đỏ, thịt gà,... để nấu nước súp cho bé.

- Tùy vào sự phát triển của mỗi bé mà mẹ chọn thời điểm thích hợp để cho bé ăn dặm. Thông thường từ 5 – 6 tháng tuổi, bé có thể bắt đầu ngồi được. Đây chính là khoảng thời gian thích hợp nhất để cho bé bắt đầu tập ăn dặm.

 

Dưới đây là chi tiết thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé từng giai đoạn

Giai đoạn 1 ( từ 5 – 6 tháng tuổi ) – Nuốt chửng

- Đây là giai đoạn để bé tập ăn, mẹ chỉ nên cho bé ăn 1 bữa/ 1 ngày và cho bé uống sữa theo nhu cầu của bé. Nên cho bé ăn thức ăn dạng lỏng, mịn để bé tập làm quen với những loại thức ăn khác ngoài sữa, tập phản xạ nuốt thức ăn.

- Tuần đầu tiên chỉ nên cho bé ăn cháo trắng nghiền nhuyễn, rây qua lưới cho mịn. Cháo được nấu với tỉ lệ 1:10 ( 1 gạo và 10 nước ).

- Tuần 2 mẹ có thể cho các bé thử một số loại dễ tiêu hóa. Thức ăn của bé trong giai đoạn này phải mịn để bé dễ ăn và không bị mắc nghẹn.

- Nếu bé không thích và từ chối, mẹ không nên ép bé ăn mà hãy để khoảng 2 – 3 ngày sau đó cho bé thử lại. Trong khoảng giai đoạn này, chủ yếu là cho bé tập làm quen với các dạng thức ăn khác ngoài sữa và tập phản xạ nhai nuốt thức ăn và học cách cầm muỗng. Trong giai đoạn này, mẹ không nêm gia vị hoặc muối trong bất kỳ món ăn dặm của bé.

- Những thực phẩm bé có thể ăn trong giai đoạn này là:

  • Tinh bột như cháo loãng, bánh mì, bún.
  • Đạm có trong đậu hũ, lòng đỏ trứng, cá.
  • Vitamin có trong cải bó xôi, bí đỏ, cà chua, cà rốt.

Giai đoạn 2 ( từ 7 – 8 tháng tuổi ) – Nhai trệu trạo

- Ở giai đoạn này nhiều bé đã có thể nhai nuốt thức ăn thành thạo, ăn được các món ăn thô hơn trước. Mẹ hãy nấu mềm thức ăn, nghiền sơ để bé có thể dễ dàng nghiền nát thức ăn bằng lưỡi và nướu. Giai đoạn này cho bé ăn cháo nguyên hạt với tỉ lệ 1:7 ( 10ml gạo và 70ml nước ). Đối với các loại trái cây, mẹ nên cắt những miếng dài để bé tập cầm, tự cắn ăn. Mỗi ngày mẹ cho bé ăn 2 bữa, lượng thức ăn tăng dần theo theo khả năng của bé. Lượng sữa mẹ vẫn cho bé theo nhu cầu của bé nhé.

- Những thực phẩm bé có thể ăn trong giai đoạn này:

  • Tinh bột: Ngoài những thực phẩm có thể ăn lúc 5 – 6 tháng tuổi, bé có thể ăn thêm yến mạch , mì ống, ngũ cốc.
  • Đạm có trong gan, gà, lòng trắng trứng ( 8 tháng tuổi ), đậu.
  • Vitamin như nấm, trái cây
  • Các loại rau như cà chua, nấm, bắp cải, rau cải, cải bó xôi.

Giai đoạn 3 ( từ 9 – 11 tháng tuổi ) – Nhai tóp tép

- Khi được 9 – 11 tháng tuổi, nhiều bé đã bắt đầu biết cắn, nhai bằng nướu và dùng lưỡi đè nát thức ăn. Có thể tập cho bé ăn những món ăn cứng hơn một chút. Các loại rau củ, quả mẹ hấp, luộc chín, thái thanh dài hoặc nghiền sơ cho bé tập nhai. Với thịt heo, thịt gà, thịt bò, tôm... mẹ hấp chín, sẽ sợi, giã nhỏ. Cá hấp chín dầm nát. Ngoài ra mẹ có thể nấu chung thịt/cá cùng cháo của bé. Các loại trái cây nên thái thanh dài cỡ ngon ngón tay út cho bé tự cầm ăn. Từ giai đoạn này trở đi, mẹ có thể nêm gia vị vào thức ăn cho bé.

- Giai đoạn này mẹ cho bé ăn cháo nguyên hạt với tỉ lệ 1:5 ( 20ml gạo và 100ml nước ). Mỗi ngày mẹ cho bé ăn 3 bữa, về lượng sữa, mẹ vẫn cho bé bú theo nhu cầu của bé nhé.

Giai đoạn 4 ( từ 12 – 18 tháng ) – Nhai thành thạo

- Ở độ tuổi này, bé đã có nhiều răng hơn để nhai, nuốt thức ăn dễ dàng. Thức ăn của bé không cần phải nấu mềm như trước nữa. Khi bé đã cầm nắm thuần thục, mẹ có thể cho bé dùng thìa tự xúc thức ăn. Việc này nhằm giúp bé tự lập hơn và có thể tự ăn một mình. Mẹ cho bé ăn 3 bữa chính cùng thời gian với bữa ăn của người lớn. Mục tiêu là cho bé ăn thức ăn giàu dinh dưỡng để hướng đến ngừng cho bé uống sữa bột. Lúc này, bé có thể ăn như người lớn. Vì vậy, nên cho bé ăn cân bằng dinh dưỡng bằng nhiều loại thực phẩm. Tuy nhiên, đồ ăn của bé vẫn phải được nêm nhạt.

- Trong giai đoạn này mẹ nấu cơm nát theo tỉ lệ 1 gạo : 2 nước hoặc 1 cơm : 1 nước. Các loại rau củ như cà rốt, đậu que, ngô non… mẹ luộc/hấp rồi cắt khúc cho bé ăn. Thịt gà, thịt heo, thịt bò, tôm… thái miếng mỏng theo thớ ngang rồi chế biến cho bé dễ cắn. Bé ở giai đoạn này đã có thể ăn tôm (luộc/hấp chín, bóc vỏ để nguyên con), sò. Với trái cây tráng miệng, mẹ nên thái thành thanh dài hay miếng nhỏ cho bé tự cầm ăn.

- Nếu đã cai sữa cho mẹ cần cho bé bổ sung 2 cữ ăn phụ/ngày. Đối với những bé uống sữa công thức, bạn hãy tập cho bé uống sữa bằng ly từ 300-400 ml.

Thực đơn ăn dặm cho bé trong 15 ngày đầu tiên

Để có thể giúp mẹ hình dung rõ hơn, mình sẽ gợi ý chi tiết thực đơn cho bé ăn dặm kiểu Nhật trong 15 ngày đầu tiên:

- Hai ngày đầu tiên: 1 muỗng cháo loãng nhỏ 5ml theo tỉ lệ gạo 1 gạo : 10 nước

- Ngày 3 - ngày 4: 2 muỗng cháo loãng nhỏ 10ml theo tỷ lệ 1 gạo : 10 nước.

- Từ ngày 5 - ngày 7: 3 muỗng cháo loãng nhỏ 15ml theo tỷ lệ 1 gạo : 10 nước. 

- Ngày 8 - ngày 10: 3 muỗng cháo loãng nhỏ 15ml theo tỷ lệ 1 gạo : 10 nước. Và thêm 1 muỗng nhỏ khoai lang nghiền.

- Ngày 11 - 12: 3 muỗng cháo loãng nhỏ 15ml theo tỷ lệ 1 gạo : 10 nước kèm theo 1 muỗng nhỏ cà rốt nghiền. 

- Ngày 13 - 14: 3 muỗng cháo loãng nhỏ 15ml theo tỷ lệ 1 gạo : 10 nước kèm theo 2 muỗng nhỏ cà rốt nghiền.

- Ngày 15: 3 muỗng cháo loãng nhỏ 15ml theo tỷ lệ 1 gạo : 10 nước kèm theo 2 muỗng nhỏ cà rốt nghiền, 1 muỗng nhỏ khoai lang nghiền. 

Đây có thể coi là giai đoạn bắt đầu và khó khăn nhất. Khi mẹ đã làm quen rồi, thì việc lên thực đơn sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Mẹ cần chú ý gì khi chế biến thức ăn cho trẻ theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật?

- Bạn có thể dùng thìa để đong lượng thức ăn cho bé, 1 thìa cà phê tương đương với khoảng 5g hoặc 5ml thực phẩm.

- Vì lượng thức ăn dùng một lần cho bé là tương đối ít. Do đó, bạn hãy trữ đông nước dùng dashi, nước dùng gà hay nước hầm rau củ bằng cách dùng khay đá có nắp đậy trữ đông để dùng dần.

- Tỷ lệ gạo và nước để nấu cháo nêu trên là dùng với nồi cơm điện có chế độ nấu cháo. Nếu nấu bằng nồi thông thường, bạn phải tăng lượng nước lên cho thích hợp. Hãy ngâm gạo trước khi nấu từ 30 phút – 1 giờ để cháo nhanh mềm.

- Cháo để nguội, cho vào khay đá có nắp đậy trữ đông để dùng dần. Do đó, bạn nên nấu cháo nhiều hơn lượng cần dùng một chút để trừ hao.

Trong quá trình cho bé ăn dặm, bạn hãy chú ý đến tâm lý của bé yêu. Hãy tạo cho trẻ tâm lý thoải mái nhất, được chọn lựa món ăn mà trẻ thích. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tránh ép trẻ ăn khiến trẻ trở nên sợ ăn. Nếu làm được như vậy, bạn sẽ tạo cho trẻ thói quen ăn uống tốt về sau.

>> Xem thêm: Ăn dặm BLW - Hãy để con tự được chỉ huy!


Loading...